Cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng…
Chỉ trong vòng 1 tháng, tại TPHCM và Bình Dương đã phát hiện 5 bệnh nhân phải vào viện điều trị vì nhiễm trùng huyết do viêm não mô cầu (trong đó đã có 2 trẻ phải nhập viện cấp cứu) và 36 trường hợp dương tính với virus nguy hiểm này. Trước tình hình bệnh diễn biến phức tạp (xảy ra ở nhiều nơi và nguy cơ lây lan mạnh trong cộng đồng), ngày 18/1, Sở Y tế TPHCM đã mở cuộc họp khẩn cấp nhằm đối phó với căn bệnh nguy hiểm…
Trẻ sốt cao, xuất huyết dưới da nên đến bệnh viện
Có mặt tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bé T.A.T. 29 tháng tuổi đã tạm thời qua cơn nguy kịch. Nhưng các bác sĩ cho biết, cháu bé vẫn phải cách ly và theo dõi thêm. Mẹ cháu T. cho biết, ngày 12/1, cháu T. có triệu chứng sốt cao. Cho uống thuốc giảm sốt nhưng không hiệu quả. Sau đó, trên mình cháu xuất hiện nhiều nốt xuất huyết với kích thước khác nhau, chỗ thì bằng đầu que tăm, hạt đậu nhưng có nơi thành từng mảng lớn. Tưởng cháu bị sốt xuất huyết nên gia đình vội đưa cháu tới BV Nhi đồng 2 để điều trị.
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm máu và dịch não tủy của cháu T. đã cho thấy dương tính với virus viêm não mô cầu. Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch BV Nhi đồng 2 cho biết, bệnh nhân T. bị nhiễm trùng huyết do viêm não mô cầu. Rất may do được phát hiện kịp thời và điều trị tích cực nên tình hình sức khỏe cháu T. hiện đã tạm ổn.
Đáng chú ý là tại TPHCM cũng đã có trường hợp trẻ đầu tiên bị nhiễm trùng huyết do viêm não mô cầu. Bệnh nhân là T.N Đ. K (19 tháng tuổi ngụ tại Bình Chánh, TPHCM) đang nằm điều trị tại BV bệnh Nhiệt đới TPHCM. Gia đình cháu K. cho biết, trước đó cháu có dấu hiệu biếng ăn, khóc nhiều, sốt và sau đó trên cơ thể xuất hiện nhiều nốt màu đỏ. Gia đình đã đưa cháu vào BV cấp cứu. Hiện sức khỏe của cháu K. đã đỡ hơn. Cháu K. đang được điều trị tích cực, theo dõi và cách ly.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ cảnh báo, việc chẩn đoán bệnh viêm não mô cầu không chỉ phụ thuộc vào dấu hiệu lâm sàng mà cần kiểm tra, xét nghiệm chặt chẽ, bởi dấu hiệu tử ban ở người bị viêm não mô cầu đôi khi không điển hình (không có tử ban, nhất là ở trẻ nhỏ). Vì Vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý để đưa trẻ đi khám bệnh khi có dấu hiệu sốt cao, ho, có dấu hiệu tử ban…
36/51 trường hợp xét nghiệm dương tính
Được biết, đến nay bệnh viêm não mô cầu đã được phát hiện ở nhiều khu vực, địa bàn khác nhau (gồm quận 7, Thủ Đức, Bình Chánh và Dĩ An Bình Dương và phía Bắc cũng đã xuất hiện trường hợp mắc bệnh), cả ở người lớn lẫn trẻ nhỏ. Theo các chuyên gia, tuy vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu chỉ lây truyền từ người sang người, nhưng đây là virus rất dễ lây lan, vì nó có khả năng lây truyền qua đường hô hấp.
Những ví dụ điển hình như, qua điều tra dịch tễ có tới 36/51 người tiếp xúc với bệnh nhân viêm não mô cầu ở quận 7 và Thủ Đức cho kết quả dương tính. Kết quả xét nghiệm người thân trong gia đình cháu T.N.Đ.K. (gồm bà ngoại, bố mẹ cháu K.) cũng đều dương tính với virus viêm não mô cầu. Kết quả cũng cho thấy có những người lành mang mầm bệnh. Do đó, trong thời điểm lễ tết, việc người dân đi lại, tụ tập sẽ khiến nguy cơ lây lan bệnh trong cộng đồng rất cao.
Theo TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TPHCM, viêm não mô cầu là bệnh do vi khuẩn gây ra, thường xuất hiện vào thời điểm đông - xuân. Vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis là một trong những loại vi khuẩn gây nên các vụ dịch lớn, 6 nhóm huyết thanh gây bệnh của vi khuẩn não mô cầu là A, B, C, W135, X và Y có thể gây dịch. Vi khuẩn não mô cầu cư trú tại vùng họng, mũi của người bệnh và lây truyền qua đường hô hấp.
Bệnh lây trực tiếp do tiếp xúc gần hoặc gián tiếp qua trung gian đồ dùng chung có dính chất tiết từ đường hô hấp của người lành mang trùng. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 2 ngày đến 10 ngày. Viêm não mô cầu gây chứng viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết. Bệnh lây qua đường hô hấp và diễn tiến khá nhanh, có thể gây tử vong. Biểu hiện bệnh thường là sốt, xuất huyết dưới da. Cách phòng tránh tốt nhất là hạn chế các tiếp xúc về đường hô hấp như không nên tập trung nơi đông người.
Cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; thực hiện tốt vệ sinh nơi ở: thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; chủ động tiêm vaccin phòng bệnh; khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị; khi phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu, cần thông báo theo đường dây nóng của y tế địa phương để được điều tra giám sát xử lý kịp thời.
Theo bác sĩ Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện Sở Y tế TPHCM đang thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm não mô cầu. Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, thuốc men, vật tư y tế… cho việc phòng chống bệnh viêm não mô cầu. Ngăn ngừa việc lây lan bệnh trong thời điểm trước trong và sau tết. Triển khai công tác phối hợp với các công ty xí nghiệp kiểm tra giám sát tình hình, xử lý kịp thời các nơi xảy ra dịch, thực hiện khử khuẩn tại những nơi làm việc.
Lập danh sách tất cả người sống trong khu nhà trọ có bệnh nhân và danh sách công nhân/nhân viên công ty và khu công nghiệp, nhà trọ có người bệnh để tiến hành giám sát điều trị dự phòng, khử khuẩn hàng ngày. Hướng dẫn chủ nhà trọ thực hiện khử trùng toàn khu nhà trọ có bệnh nhân bằng Chloramin B 25%. Yêu cầu chủ nhà trọ, nếu phát hiện người ở trọ có triệu chứng sốt hoặc đau họng thì hướng dẫn đến khám tại bệnh viện, các đơn vị y tế quận, huyện.
PhungLan.CHITI
Theo SGGP
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT VI PHẠM QUY ĐỊNH CỦA WEBSITE
1.Viết bằng chữ Tiếng Việt KHÔNG có dấu
2.Viết những lời thô tục đả kích
3.Có nội dung phản động
*LƯU Ý:Các nhận xét vi phạm sẽ bị xoá
Xin chân thành cảm ơn các ý kiến nhận xét quý báu của Đọc giả