"Kiến thức của bạn - Niềm vui chung của chúng tôi - Nụ cười của bệnh nhân"

14 thg 7, 2013

Đột quỵ và những điều cần biết

Phần 1: Dấu hiệu và cách sơ cứu bệnh nhân đột quỵ

Đột ngột đau đầu dữ dội, chóng mặt, cơ thể mất thăng bằng, không nói được… là một trong các dấu hiệu của đột quỵ.
Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não), xảy ra khi một phần của não bộ bị tổn thương vì mất đi nguồn nuôi dưỡng. Nguyên nhân là do dòng máu đang chuyên chở oxy và các chất dinh dưỡng khác cho não bộ bị tắc nghẽn (gây thiếu máu não cục bộ), hoặc bị vỡ đột ngột (gây xuất huyết hay chảy máu trong não). Khi dòng máu không thể đi đến não, các tế bào não sẽ ở trong tình trạng thiếu máu, không hoạt động được nữa, kế tiếp sẽ bị hoại tử và chết đi nếu sự cung cấp máu cho não không được phục hồi ngay sau đó.
Theo TS Mai Duy Tôn, Khoa A9-BV Bạch Mai, đột quỵ bao gồm hai thể chính: thiếu máu não và xuất huyết não, tùy thuộc vào nguyên nhân mạch máu bị tắc nghẽn hay bị vỡ gây chảy máu. Mỗi loại đột quỵ sẽ có chế độ điều trị riêng biệt, vấn đề quan trọng nhất là xác định nguyên nhân gây ra đột quỵ, và vị trí não bộ đã bị tổn thương.
Cơn thiếu máu não thoáng qua
Khoảng một phần ba các trường hợp đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn “đột quỵ nhẹ”, hay còn gọi là các “cơn thiếu máu não thoáng qua”, xảy ra trước đó. “Cơn thiếu máu não thoáng qua” có thể xuất hiện nhiều ngày, nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng trước khi bệnh nhân bị đột quỵ thật sự.
“Cơn thiếu máu não thoáng qua” xảy ra do sự ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não. Các triệu chứng xảy ra nhanh chóng và chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, thường từ một vài phút đến vài giờ, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn trong vòng 24 giờ. Ví dụ, nếu bệnh nhân bị mất thị lực đột ngột, hoặc yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút rồi biến mất, đó có thể là triệu chứng một “cơn thiếu máu não thoáng qua”.
Khả năng vận động của cơ thể có thể sớm trở lại bình thường do tình trạng thiếu máu não chỉ xảy ra trong thời gian ngắn (trong vòng 24 giờ), điều này tạo nên cảm giác chủ quan, bệnh nhân dễ tin rằng không có vấn đề gì quan trọng. Tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm nếu bệnh nhân bỏ qua sự xuất hiện của “cơn thiếu máu não thoáng qua”, bởi vì nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng thiếu máu não vẫn đang tồn tại và chưa được điều trị. Đây thường là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý đột quỵ thật sự sẽ xảy ra ngay sau đó, do vậy cần đến gặp Bác sỹ chuyên khoa ngay lập tức, trước khi mọi việc trở nên quá muộn.
Sơ đồ về nhận biết đột quỵ.
Nhận biết đột qụy:
-Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể, ví dụ yếu liệt tay và chân bên trái).
-Đột ngột không nói được, giọng nói bị thay đổi (nói ngọng, khó nghe) hoặc bệnh nhân nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói.
-Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt.
- Đột ngột nhức đầu dữ dội.
-Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn (đặc biệt khi chóng mặt đi kèm với bất kỳ các triệu chứng trên).
Sơ cứu đầu tiên khi bị đột quỵ?
Nếu bạn hay người thân có các dấu hiệu cảnh báo như trên, hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai bằng xe cứu thương hoặc xe cá nhân (không nên trì hoãn vì bất kỳ lý do gì). Hoặc có thể gọi 115 để được trợ giúp kịp thời.
Nhận biết được các dấu hiệu của đột quỵ và hành động ngay sau khi các triệu chứng xuất hiện, bệnh nhân sẽ có khả năng hồi phục tốt nhất./.

Phần 2: Đừng bỏ qua “Giờ vàng” của đột quỵ

(VOV) - Trong vòng 9 tiếng đồng hồ sau khi bị đột quỵ, nếu được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết sẽ hạn chế những di chứng.
Thời tiết nắng nóng và thay đổi đột ngột nên có rất nhiều người già bị đột quỵ, đặc biệt là người có tiền sử bị bệnh tim hay áp huyết cao. Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân lại ít có kiến thức cũng như không biết cách sơ cứu ban đầu nên dẫn đến hậu quả về sau như: mất trí nhớ, bất thường về ngôn ngữ, liệt chi…
Mạch mãu não bị tắc nghẽn do huyết khối từ tim hoặc từ mảng xơ vữa. (ảnh minh họa, nguồn: Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai).
Làm thế nào để sơ cứu bệnh nhân bị đột quỵ một cách tốt nhất? Phóng viên Báo Điện tử VOV phỏng vấn TS BS Mai Duy Tôn, Khoa A9 – Bệnh viện Bạch Mai, một trong những chuyên gia đầu ngành và tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu về đột qụy và tai biến mạch máu não tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai.
** Phóng viên: Thưa bác sĩ, có rất nhiều người chưa thực sự hiểu về đột quỵ, và khi bị đột quỵ, họ không biết xử ký kịp thời nên có thể bỏ lỡ mất “cơ hội vàng” trong chữa trị và để lại di chứng rất nặng về sau này. Vậy bác sĩ cho biết nên xử lý thế nào khi bệnh nhân bị đột quỵ?
TS BS Mai Duy Tôn: Khi một bệnh nhân đang khỏe mạnh bình thường mà đột ngột xuất hiện 1 trong 5 biểu hiện như sau: đột ngột mất thị lực, đặc biệt là xuất hiện ở một bên mắt; Đau đầu dữ dội (có thể nói đây là cơn đau nhất trong cuộc đời người bệnh) thì chúng ta nên nghi ngờ bệnh nhân đó khả năng bị đột quỵ não cấp. Khi đó, gia đình cần nhanh chóng đưa bệnh nhân vào cơ sở y tế gần nhất có chuyên môn sâu về điều trị đột quỵ, để được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết.
Ở khu vực phía Bắc, có Bệnh viện Bạch Mai - nơi tiên phong trong việc điều trị bệnh Đột quỵ cấp. Ngoài ra, còn có các cơ sở khác như: Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Quân đội 108; Khoa Thần kinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa); Khoa Thần kinh (Bệnh viện Việt - Tiệp ở Hải Phòng).
Hiện nay, chúng tôi đang triển khai việc chuyển giao các phương pháp điều trị chuyên sâu cho các bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa Phố Nối (Hưng Yên), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, Bệnh viện Đa khoa, tỉnh Vĩnh Phúc và Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với việc đưa bệnh nhân vào các cơ sở y tế chuyên sâu gần nhất, người nhà bệnh nhân cũng cần biết một số thao tác sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân. Chẳng hạn như: đặt bệnh nhân nằm nghỉ ngơi, tốt nhất là đặt bệnh nhân nằm nghiêng sang một bên để phòng khi bệnh nhân nôn, tránh bị sặc ở phổi.
Thứ hai, không nên cho bệnh nhân dùng bất cứ một loại thuốc gì vì đôi khi bệnh nhân có thể sặc và gây suy hô hấp cấp. Lưu ý, chúng ta không dùng các biện pháp dân gian để sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân như: đánh gió hoặc trích máu đầu ngón tay, ngón chân, hoặc là cho sử dụng một số loại thuốc Đông y không rõ nguồn gốc. Điều quan trọng nhất, chúng ta phải nhanh chóng gọi xe cấp cứu 115 để đưa bệnh nhân vào viện. Đó là cách xử trí ban đầu tốt nhất cho bệnh nhân đột quỵ não cấp.
** PV: Thưa bác sĩ, như bác sĩ đã đề cập ở trên là nên cho bệnh nhân vào viện sớm nhất có thể để được tiêm thuốc tiêu sợi huyết. Vậy, xin bác sĩ cho biết về tác dụng của thuốc tiêu sợi huyết và chi phí của loại thuốc này?
TS BS Mai Duy Tôn: Thuốc tiêu sợi huyết đã được sử dụng trên thế giới từ đầu những năm 2000 và ở Việt Nam áp dụng từ năm 2007 đến nay. Loại thuốc này chỉ dành cho những bệnh nhân bị tắc mạch máu não. Khi trong động mạch não có cục máu đông (cục máu đông do hình thành tại chỗ trong động mạch não hoặc từ tim bắn lên) sẽ làm cho động mạch trong não bị tắc, ngay lập tức làm giảm lưu thông máu, gây ra tổn thương vùng đại não. Khi thuốc tiêu sợi huyết được đưa vào bằng đường tĩnh mạch, nó sẽ làm tan cục máu đông, khơi thông dòng máu và cung cấp máu trở lại cho các vùng não đang bị thiếu máu. Chính vì thế, việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết càng sớm càng tốt vì khi đó, cục máu còn chưa kịp bám chắc vào thành mạch thì hiệu quả sử dụng thuốc sẽ cao hơn, khả năng hồi phục sau điều trị sẽ thành công hơn.
Để sử dụng hiệu quả loại thuốc này, một trong những tiêu chí quan trọng nhất là bệnh nhân phải đến Bệnh viện thật sớm. Hiện tại, biện pháp can thiệp tối ưu nhất cho bệnh nhân bị đột quỵ cấp thường trong vòng 9 tiếng đồng hồ sau khi bị đột quỵ (khoảng thời gian này được gọi là “thời gian vàng”), quá 9 tiếng đồng hồ thì người bệnh sẽ không có các biện pháp tối ưu để điều trị và khi đó, khả năng hồi phục của bệnh nhân sẽ rất kém có thể sẽ để lại di chứng nặng nề.
Nói chung, điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết là một trong những biện pháp tối ưu cho bệnh nhân bị đột quỵ, đặc biệt tốt trong vòng 4 đến 5 giờ sau khi bị đột quỵ.
Hiện tại, loại thuốc này đã được Bộ Y tế nhập về, và có trong danh mục bảo hiểm y tế. Những bệnh nhân có bảo hiểm y tế sẽ được miễn phí hoàn toàn tiền thuốc. Nếu bệnh nhân không có bảo hiểm y tế thì phải trả chi phí cho 1 lọ thuốc loại này khoảng gần 11 triệu đồng và dùng 1 lọ duy nhất.
** PV: Thưa bác sĩ, biện pháp điều trị bằng loại thuốc này ở Việt Nam cho thấy hiệu quả như thế nào và nếu bệnh nhân bị bỏ qua  khoảng “thời gian vàng” thì hướng điều trị sẽ thế nào?
TS BS Mai Duy Tôn: Khoa Tai biến mạch máu não (Bệnh viện 115 TP HCM) đã sử dụng loại thuốc này từ năm 2007 và  Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) áp dụng năm 2008. Cho đến nay, qua các công trình nghiên cứu quốc tế cũng như các đề tài nghiên cứu cấp Bộ về việc sử dụng loại thuốc này đều cho thấy, thuốc tiêu sợi huyết mang lại hiệu quả rất tốt đối với những bệnh nhân được điều trị trong khoảng “thời gian vàng”. Có tới gần 50% bệnh nhân được điều trị bằng loại thuốc này đã hồi phục gần như hoàn toàn, khả năng bị tàn phế đã giảm tới gần 50%.
Nếu bệnh nhân đã bỏ qua khoảng “thời gian vàng”, cơ hội phục hồi cho bệnh nhân thường là không còn nhiều. Trong trường hợp này, ở bất cứ cơ sở y tế nào cũng có thể điều trị theo một hướng dẫn chung về phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Chính vì thế, theo tôi nghĩ khi chúng ta đã bỏ qua khoảng “thời gian vàng” thì có thể đưa bệnh nhân đến bất kỳ cơ sở y tế nào, kể cả ở các tuyến địa phương, kết quả điều trị sẽ không thay đổi nhiều so với tuyến Trung ương.
** PV: Vì khoảng “thời gian vàng” đối với bệnh nhân đột quỵ rất quan trọng. Vậy, việc điều trị bệnh Đột quỵ ở Bệnh viện Bạch Mai được tiến hành như thế nào cho kịp thời?
TS BS Mai Duy Tôn: Tại Bệnh viện Bạch Mai, cụ thể là tại Khoa Cấp cứu A9, chúng tôi cũng dán các tấm panô tuyên truyền về bệnh Đột quỵ cho mọi người biết để khi người thân bị đột quỵ não thì phải nhanh chóng đưa vào Khoa Cấp cứu. Ngoài ra, chúng tôi đã đào tạo và phối hợp với Trung tâm vận chuyển cấp cứu, đặc biệt là cấp cứu 115 để khi có bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ thì ngay lập tức, Trung tâm cấp cứu kết nối thông tin với Khoa Cấp cứu để chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ một cách nhanh và hiệu quả nhất. Khi bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu, các y, bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về đột quỵ sẽ nhanh chóng có những nhận biết sớm tình trạng bệnh nhân để xử lý sớm nhất. Chúng tôi khởi động dây chuyền để đánh giá, xét nghiệm, chụp hình ảnh cho bệnh nhân, để làm sao đánh giá tình trạng bệnh nhân một cách nhanh nhất, chính xác nhất, đưa ra chỉ định điều trị tiêu sợi huyết cho bệnh nhân. Quy trình này ở Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), từ lúc bệnh nhân vào viện đến lúc dùng thuốc chỉ khoảng 35 – 40 phút.
** PV: Xin cảm ơn bác sĩ!.

Phần 3: Biến chứng sau đột quỵ và cách phục hồi sau đột quỵ.

Kỹ thuật đặt stent động mạch cảnh. (nguồn: Khoa A9-BV Bạch Mai)
(VOV) - Phục hồi diễn ra phần lớn trong 3 - 6 tháng đầu… Bệnh nhân không nên mất hy vọng nếu bị liệt vận động nặng.
Làm thế nào để phòng tránh được các biến chứng sau đột quỵ là vấn đề mà rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ quan tâm. Theo TS Mai Duy Tôn, Khoa Hồi sức Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai, người bị đột quỵ thường gặp phải những vấn đề sau đây:
Loét da do bất động
Triệu chứng này thường gặp ở các bệnh nhân bị liệt vận động nặng hoặc hôn mê sau đột quỵ. Việc tập vận động sớm, thay đổi tư thế nằm của bệnh nhân thường xuyên (từ 1 – 2 giờ) và sử dụng các loại nệm có bơm hơi có tác dụng tốt trong việc hạn chế biến chứng này.
Viêm phổi, ho hít sặc
Đây là nguyên nhân có thể gây tử vong sau đột quỵ. Nó thường gặp ở các bệnh nhân bị hôn mê, hoặc mất chức năng nuốt. Sau khi đánh giá chức năng nuốt, thầy thuốc có thể chỉ định đặt ống nuôi ăn khi cần thiết. Đối với các bệnh nhân bị rối loạn chức năng nuốt lâu dài, việc mở dạ dày ra để đưa thức ăn trực tiếp vào dạ dày qua thành bụng có tác dụng hạn chế nguy cơ viêm phổi do hít sặc với độ an toàn cao.
Khi cho ăn qua đường ống, dung dịch dinh dưỡng nên được truyền nhỏ giọt qua ống nuôi ăn, cần cho bệnh nhân nằm ở tư thế đầu cao, và duy trì tư thế này sau khi ăn ít nhất 1 giờ sau đó.
Phục hồi vận động sau đột quỵ
Hồi phục sau một cơn đột quỵ là một quá trình xảy ra tự nhiên. Một phần ba bệnh nhân đột quỵ có thể phục hồi các chức năng vận động một cách hoàn toàn, 1/3 cải thiện chức năng vận động 1 phần, và 1/3 còn lại không có cải thiện.
Quá trình phục hồi vận động xảy ra phần lớn trong 3 – 6 tháng đầu, và có thể tiếp tục cho đến 2 năm hoặc hơn. Vì vậy, bệnh nhân không nên mất hy vọng nếu bị liệt vận động nặng. Sau đột quỵ, nên bắt đầu điều trị phục hồi các chức năng vận động tại thời điểm sớm nhất khi có thể.
Mục tiêu của việc tập phục hồi chức năng với sự trợ giúp của kỹ thuật viên vật lý trị liệu, bao gồm:
-Phục hồi các chức năng vận động tại phần cơ thể bị liệt: tập ngồi, đứng, đi bộ…
-Phục hồi các chức năng khác: ăn uống (chức năng nuốt), ngôn ngữ giao tiếp, tự thay quần áo, tắm rửa…
-Cải thiện các rối loạn về mặt tâm thần, cảm xúc.
Tái phát sau đột quỵ
Tỷ lệ đột quỵ tái phát trong 5 năm đầu tiên là 25%, nghĩa là cứ 100 bệnh nhân sống sót sau đột quỵ, sẽ có 25 trường hợp bị tái phát sau đó. Để làm giảm mức độ tái phát đột quỵ, người bệnh cần uống thuốc đúng theo toa bác sĩ và đi tái khám đều đặn. Không ai có thể bảo đảm đột quỵ tái phát sẽ không xảy ra, nhưng khả năng tái phát có thể giảm thiểu tối đa bằng chế độ điều trị thích hợp, liên tục, và được duy trì một cách lâu dài.
Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ có thể điều chỉnh với chế độ điều trị hợp lý:
-Cao huyết áp
-Hút thuốc lá
-Bệnh tim mạch
-Nghiện rượu
-Béo phì
-Tiểu đường
-Sử dụng thuốc ngừa thai
-Tình trạng căng thẳng (stress).
Làm giảm nguy cơ tái phát đột quỵ bằng cách nào?
Có nhiều cách để có thể làm giảm nguy cơ tái phát của đột quỵ. Trong đó là kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và thay đổi chế độ sống. Các yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ là cao huyết áp, bệnh tim, tiểu đường và hút thuốc lá.
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, tăng hàm lượng mỡ trong máu cần được theo dõi thường xuyên bởi bác sĩ chuyên khoa. Các yếu tố nguy cơ này sẽ được giảm bớt một cách tối đa bằng các thuốc điều trị thích hợp và thay đổi lối sống.
Kiểm soát huyết áp
Huyết áp ở mức 120/80mmHg là trị số bình thường. Được gọi là cao huyết áp khi huyết áp cao hơn 140/90 mmHg. Cao huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ. Nếu không kiểm soát tốt tình trạng huyết áp, nguy cơ đột quỵ tái phát sẽ rất cao.
Bệnh nhân bị cao huyết áp có nguy cơ đột quỵ cao gấp 4 – 6 lần so với bệnh nhân có huyết áp bình thường. Cao huyết áp làm nặng thêm tình trạng xơ vữa mạch máu, gây tăng áp lực lên thành mạch máu, và có thể làm vỡ mạch máu.
Kiểm soát huyết áp bao gồm chế độ ăn ít muối, giảm cân, giảm stress, và uống các thuốc thích hợp. Cần lưu ý rằng các thuốc huyết áp chỉ có tác dụng khi được sử dụng thường xuyên mỗi ngày. Không nên tự ý ngưng thuốc khi không có ý kiến của bác sĩ. Nếu cao huyết áp được kiểm soát tốt, sẽ làm giảm được 38% nguy cơ đột quỵ và giảm 40% nguy cơ tử vong gây ra do đột quỵ.
Bệnh tim
Là nguy cơ quan trọng thứ hai sau cao huyết áp, bệnh lý tim nguy hiểm nhất liên quan đến đột quỵ là rung nhĩ. Rung nhĩ là tình trạng co bóp bất thường của tâm nhĩ trái. Ở bệnh nhân rung nhĩ, tâm nhĩ trái co bóp nhanh gấp 4 lần so với các buồng tim còn lại. Điều này dẫn đến sự bất thường của dòng chảy trong cách mạch máu, tạo điều kiện thành lập các cục huyết khối trong buồng tim và nhanh chóng di chuyển đi nơi khác, có thể gây tắc nghẽn các mạch máu não.
Sử dụng thuốc kháng đông lâu dài có thể làm giảm 67% nguy cơ gây ra đột quỵ tái phát của rung nhĩ.
Tiểu đường
Khi bệnh nhân có bệnh tiểu đường, nguy cơ mắc phải đột quỵ sẽ tăng gấp 3 lần. Chế độ ăn phù hợp để tiết chế lượng đường trong máu, đồng thời sử dụng các thuốc điều chỉnh đường huyết có thể giúp người bệnh hạn chế tối đa các biến chứng của tiểu đường.
Tăng cholesterol trong máu
Tăng cholesterol trong máu có thể dẫn đến tình trạng ứ đọng của cholesterol lên thành của các mạch máu, từ đó tạo thành các mảng xơ vữa. Kiểm soát tốt hàm lượng cholesterol trong máu bằng chế độ ăn thích hợp (kiêng mỡ, các loại dầu ăn và các thức ăn giàu cholesterol), tập thể dục thường xuyên và sử dụng các loại thuốc chuyên biệt có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ.
Ngưng hút thuốc lá
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ rất nguy hiểm của đột quỵ. Thuốc lá làm tăng thêm quá trình xơ vữa mạch máu và các chất gây đông máu (như fibrinogen). Việc ngưng hút thuốc lá có thể làm giảm rõ rệt nguy cơ đột quỵ tái phát.
Sử dụng thuốc ngừa thai
Các thuốc ngừa thai, đặc biệt những loại chứa hàm lượng estrogen cao, có khả năng làm tăng nguy cơ tạo huyết khối. Bệnh nhân có thể tham khảo với bác sĩ sản khoa để có cách thay đổi phương pháp ngừa thai khác nếu bệnh nhân có kèm theo các nguy cơ đột quỵ khác.
Giảm stress
Cuộc sống với nhiều áp lực thường xuyên làm tăng huyết áp và có thể dẫn đến đột quỵ. Biết giải tỏa các áp lực trong công việc, tạo một cuộc sống lành mạnh bên người thân và gia đình có thể là phương pháp giảm stress hữu hiệu nhất.
Thay đổi chế độ ăn
Chế độ ăn nhiều chất béo, cholesterol và muối có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Bác sĩ Mai Duy Tôn cũng đưa ra lời khuyên là các bệnh nhân cần tuân thủ chế độ ăn hợp lý như sau:
-Tránh ăn quá nhiều chất béo: Các chất béo, cholesterol có thể làm nặng thêm tình trạng xơ vữa động mạch. Hạn chế sử dụng các dầu mỡ khi nấu ăn, nên bỏ phần mỡ và da của các loại thịt, dùng các thức ăn có hàm lượng chất béo, thức ăn chế biến bằng cách nướng hay hấp tốt hơn chiên xào, không ăn quá 3 quả trứng trong một tuần.
-Giảm muối: ăn quá mặn có thể làm tăng huyết áp. Không sử dụng muối trên bàn ăn thêm vào thức ăn đã được chế biến.
-Hạn chế uống rượu: uống nhiều bia, rượu thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nên hạn chế việc sử dụng các loại bia rượu, đặc biệt khi bệnh nhân có tình trạng cao huyết áp kèm theo.
Giảm cân
-Tình trạng béo phì có liên quan đến các bệnh lý cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường và đột quỵ. Duy trì trọng lượng vừa phải bằng chế độ ăn hợp lý và tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ độ quy./.

Thu Thủy/VOV online

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT VI PHẠM QUY ĐỊNH CỦA WEBSITE
1.Viết bằng chữ Tiếng Việt KHÔNG có dấu
2.Viết những lời thô tục đả kích
3.Có nội dung phản động

*LƯU Ý:Các nhận xét vi phạm sẽ bị xoá
Xin chân thành cảm ơn các ý kiến nhận xét quý báu của Đọc giả

NỘI TRÚ - CAO HỌC - CKI,CKII,TS

1. Thông tin tuyển sinh
2. Kinh nghiệm ôn thi
3. Đề cương ôn thi
4. Ngân hàng đề thi
5. Tài liệu chuyên đề ôn thi
- Giải phẩu, Sinh lý học, Hóa sinh, Di truyền học
- Chuyên khoa lẻ

MEDICAL ENGLISH

1. Học qua Video Youtube
2. Loạt sách Medical English
3. Phương pháp Effortless English
4. Phương pháp học tiếng anh Pimsleur
5. Phương pháp học Phạm Quốc Hưng
6. Phương pháp Crazy English
7. Kho sách học English
8. Kinh nghiệm học English

SERIES BOOK - VIDEO MEDICAL

1. Series : Harrison, Oxford, Washington, Netter
2. Attlas medicine :
3. Video học online: ECG , EGG

PHẦN MỀM HỖ TRỢ

1. Phần mềm tiện ích đọc ebook
2. Phần mềm tiện ích đọc file
3. Phần mềm y học

Kỹ năng mềm

1. Loạt bài về TonyBuzan
2. Sơ đồ tư duy
3. Phương pháp học
4. Thiền định
5. Hạt giống tâm hồn