Áp xe não là những ổ nhiễm khuẩn khu trú ở trong nhu mô não do nhiều tác nhân gây nên. Thường gặp nhất là do vi khuẩn.
1. Cơ chế bệnh sinh của áp xe não
Vi khuẩn xâm nhập vào trong nhu mô não để gây áp xe bằng nhiều cơ chế khác nhau, thường với 4 cơ chế bệnh sinh
* Nhóm 1: vi khuẩn xâm nhập từ các ổ nhiễm trùng liền kề như viêm tai xương chũm, viêm tai giữa cấp-mạn tính, viêm xoang hơi...
* Nhóm 2: Vi khuẩn di căn từ ổ nhiễm trùng xa như nhọt, áp xe răng, vết thương phần mềm nhiễm trùng... Bệnh tim bẩm sinh có tím là yếu tố thuận lợi gây áp xe não từ ổ nhiễm trùng xa
* Nhóm 3: vi khuẩn xâm nhập vào qua vết rách màng cứng (vết thương sọ não, sau mổ não...) hay qua dị vật đi vào trong não (mảnh đạn, kim loại...)
*Nhóm 4: vi khuẩn dễ dàng xâm nhập nhu mô não ở những người có hội chứng suy giảm miễn dịch (HIV, AIDS, xạ trị...)
Việc xác định được nguyên nhân và đường xâm nhập của vi khuẩn giúp chẩn đoán và hướng điều trị triệt để áp xe não
2.Biểu hiện lâm sàng bệnh áp xe não
* Biểu hiện điển hình bằng hai hội chứng là: hội chứng nhiễm trùng và hội chứng tăng áp lực nội sọ. Dấu hiệu quan trọng là sự hiện diện cửa ngõ xâm nhập của vi khuẩn.
Hội chứng nhiễm khuẩn: sốt khoảng 37o5-39o gặp ở 60-70% các trường hợp, thường sốt liên tục. Sốt cao trên 390 khi khối áp xe vỡ vào não thất hay gây viêm màng não
Hội chứng tăng áp lực nội sọ: đau đầu tăng lên lúc nửa đêm về sáng hoặc sau các hoạt động gắng sức, đau đầu kèm theo buồn nôn hoặc nôn vọt. Kèm theo có thể gặp mờ mắt (30-40% trường hợp). Ngoài ra có thể gặp dấu hiệu thần kinh như liệt nửa người, động kinh, hội chứng tiểu não tùy thuộc vị trí của khối áp xe. Khi khối áp xe quá to gây tăng áp lực nội sọ cao hoặc khối áp xe vỡ vào não thất với biểu hiện hôn mê, giãn đồng tử, rối loạn ngôn ngữ...
Dấu hiệu gợi ý đường xâm nhập vi khuẩn: bệnh tim bẩm sinh có tím, viêm tai xương chũm, viêm tai giữa cấp- mạn tính, viêm răng lợi, nhọt, vết thương phần mềm đặc biệt vùng đầu...
* Tóm lại, khi có biểu hiện sốt dai dẳng kèm theo các biểu hiện đau đầu, nôn ...cùng với tiền sử vết thương vùng đầu, viêm tai giữa, viêm tai xương chũm ...đặc biệt ở những người bệnh tim bẩm sinh có tím cần nghĩ đến áp xe não
3.Cách phòng tránh bệnh áp xe não
Cùng với hiểu biết về những nguyên nhân gây bệnh đặc biệt là ở đối tượng mắc bệnh tim bẩm sinh có tim cần lưu ý: khám tai mũi họng định kỳ phát hiện bệnh và điều trị triệt để bệnh tai mũi họng, chăm sóc vệ sinh răng lợi thường xuyên, đặc biệt khi có vết thương vùng đầu hoặc vết thương ngoài da có nguy cơ nhiễm trùng cần đến cơ sở y tế để được khám phát hiện vết thương sọ não hay vết thương nhiễm trùng để điều trị triệt để. Với những người suy giảm miễn dịch cần được quản lý và điều trị dự phòng triệt để.
ThS.Bs Nguyễn Vũ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT VI PHẠM QUY ĐỊNH CỦA WEBSITE
1.Viết bằng chữ Tiếng Việt KHÔNG có dấu
2.Viết những lời thô tục đả kích
3.Có nội dung phản động
*LƯU Ý:Các nhận xét vi phạm sẽ bị xoá
Xin chân thành cảm ơn các ý kiến nhận xét quý báu của Đọc giả